Nhà của người Nhật có những nét rất riêng mà không một quốc gia nào trên thế giới có thể giống được. Cùng tìm hiểu về những nét độc đáo này nhé.
Thứ nhất, LỐI VÀO:
Thông thường, người Nhật Bản luôn có một ranh giới giữa khu vực trong nhà với hành lang để dép bằng việc nền nhà sẽ được nâng cao lên một bậc. Khoảng trống giữa cửa nhà đến sàn nhà chính còn được gọi là “genkan”.
Lý giải cho điều này thì chúng ta cần hiểu người Nhật phần lớn thấm đượm tư tưởng Phật giáo. Mà theo gốc chữ hán dịch ra từ chữ “genkan” mang nghĩa là cánh cửa huyền bí. Từ này xuất phát từ các nơi Thiền viện của các tăng ni phật tử. Theo đó, khi bước qua không gian của genkan cũng là lúc bước vào một thế giới Thiền linh thiêng, tôn nghiêm, xa rời với những phàm tục của đời sống thực tại. Do vậy, người Nhật lấy đó là ý tưởng để thiết kế nên kiến trúc độc đáo cho căn nhà của mình cũng với mong muốn bước vào nhà là bước vào một nơi an nhiên, mang lại sự thoải mái, bình an khác xa với thế giới xô bồ ngoài kia.
Ngoài ra, một thói quen đặc trưng nữa cũng rất thú vị ở người Nhật Bản. Đó là thói quen sắp xếp dép hướng mũi dép ra phía ngoài, kể cả dép của khách hay của người trong gia đình thì chủ nhà trước khi bước vào trong họ luôn để ý đến hướng mũi dép để sắp xếp lại. Họ cho rằng việc để dép hướng ra phía ngoài giúp cho khách của mình có thể ra ngoài một cách nhanh chóng hơn trong trường hợp khẩn cấp khi cần ra ngoài gấp. Tương tự, họ cũng luôn để sẵn dép đi trong nhà cho khách trước khi vào theo hướng mũi dép hướng vào trong nhà để tiện việc xỏ dép dễ dàng hơn. Thế mới nói, các quy tắc đón tiếp khách của các bạn xứ sở hoa anh đào này thật đáng ngưỡng mộ. Họ chỉ để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhưng lại khiên cho người ta cảm thấy ấm lòng biết bao đối với tinh thần hiếu khách vô cùng.
Có thể nói, dù không gian của “genkan” tuy nhỏ hơn không gian ở các khu vực khác trong nhà nhưng cái hay của nơi này luôn không thể thiếu các vật trang trí nhỏ nhắn bên cạnh tủ đựng dép. Có thể là một bình hoa, một chậu cây, một bức hình hay bức tượng trang trí nhỏ thôi nhưng người Nhật vẫn không quên để chúng như một cách chào đón các vị khách tới căn họ của mình.
Thứ hai, HIÊN NHÀ:
Trong tiếng Nhật, người ta gọi đây là “Engawa”. Chỗ này thường chỉ xuất hiện đối với những nhà riêng, xây dựng dưới mặt đất chứ không thường xuất hiện ở các căn hộ trên cao. Thường khu vực này làm bằng sàn gỗ hoặc tre nứa, tạo một cảm giác mát mẻ khi có thể vừa ngồi chill với một ấm trà cũng như thưởng thức không khí trong lành từ vườn cây trong sân. Đối với phần không gian này thì sẽ không có lót chiếu Tatami vì theo họ, đây giống như lối hành lang bên hông của nhà, gần giống khu vực “genkan” kể trên. Đối với những nhà có mái hiên như vậy thì một điều bắt buộc trong thiết kế đó là mặt sàn nhà luôn sẽ cao hơn một khoảng so với nền đất. Đây cũng là một cách khiến cho căn nhà trở nên mát mẻ hơn vào mùa hè cũng như ấm áp hơn cho mùa đông.
Nghe có vẻ khó hiểu nhưng thực chất hiên nhà có chức năng quan trọng trong điều hòa nhiệt độ của căn nhà. Bởi vì, hiên nhà ở Nhật Bản là một khoảng trung gian ngăn cách giữa bên trong nhà và ngoài nhà. Khác với các hiên nhà ở Việt Nam thì thường phần hiên nhà sẽ thông trực tiếp ra ngoài sân mà không bị ngăn cản bởi bất kỳ thứ gì, có thể xem là một lối vào thứ hai của nhà. Nhưng, đối với Nhật Bản thì khác, họ còn thiết kế thêm một cái cửa bằng kính (phổ biến) hoặc cửa bằng gỗ, tre hoặc một cửa chớp bằng bạt. Vào mùa hè, người Nhật sẽ mở cửa này ra để đón gió, làm cho căn hộ trở nên thoáng mát và không bí bách. Đến mùa đồng thì họ có thể đóng lại giúp cho nhà trở nên ấm hơn bởi việc đóng cửa như vậy giống như việc gió lạnh muốn thổi vào nhà phải qua hai lớp cửa.
Thứ ba, CỬA SHOJI:
Nhắc tới phong cách nhà của người Nhật Bản, bạn không thể bỏ qua kiểu cửa này. Đây thực chất là tên gọi khác của cửa lùa (hay cửa trượt) theo tiếng Việt của mình đấy.
Về cơ bản, cửa được thiết kế khá đơn giản và không mấy cầu kỳ với khung thường làm bằng gỗ tự nhiên, bền dẻo và giấy mờ. Hiện nay, một số cửa lùa cải tiến hơn để đáp ứng nhu cầu thời đại có thể sử dụng kính hoặc giấy có chất liệu sợi nylon dẻo dai, chắc chắn hơn để giảm độ bào mòn theo thời gian.
Cửa lùa phong cách Nhật hiện nay đang là một xu hướng thiết kế nhà theo phong cách tối giản vì cánh cửa khi mở hết ra thì khiến cho căn nhà của bạn trở nên rộng rãi hơn rất nhiều và trông căn nhà bạn trở nên sang trọng hơn vì phần lớn các thiết kế cửa này được dùng cho các căn hộ, khách sạn cao cấp khá nhiều tại Việt Nam.
Thứ tư, TOKONOMA
Nếu như bạn đã từng xem qua bài viết của tôi về nhà ở Đồng bằng Bắc Bộ ắt hẳn bạn sẽ hình dung dễ dàng hơn. Thực chất, đây là gian chính của căn nhà, hay nói đơn giản là phòng tiếp khách. Cũng tương tự các căn nhà truyền thống của Việt Nam, gian chính diện là nơi trang hoàng nhất của căn nhà, mọi thứ đẹp đẽ nhất có lẽ đều được bày biện trong gian này. Đối với người Nhật, họ cũng có tín ngưỡng thờ cúng nên chắc chắn không thể thiếu góc thờ các vị thần hoặc người đã khuất. Bên cạnh đó, phải kể đến bàn trà đạo, một bức tranh thư pháp, một lẵng hoa cắm theo phong cách Ikebana, một cái đèn lồng giấy và đặc biệt nhất phải kể đến một không gian đặc biệt được gọi là Oshi- ita ngay trong căn phòng.
Oshi - ita là một góc của căn nhà, thường đi vào sẽ nằm chính diện hoặc một góc mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy. Nó được tạo nên để đặt những vật phẩm giá trị nhất của căn nhà, khu vực này thường sẽ xây cao hơn so với sàn nhà để thể hiện sự tôn kính trước những món đồ giá trị này. Bởi, thường thì các món đồ này có thể là đồ gia truyền của một dòng tộc hay những bức tranh quý giá về một vị danh nhân của Nhật Bản rất được tôn kính,... Oshi- ita được xem là linh hồn quý của tổng thể căn nhà. Có một quy tắc bất thành văn của gia chủ để thể hiện sự tôn trọng khách quý đó là việc để khách ngồi đối diện với Oshi-ita trong một buổi tiệc, đồng thời ta sẽ biết được vị khách này là người rất quan trọng với gia chủ, có thể là sếp hoặc bậc tiền bối.
Thứ năm, CHIẾU TATAMI
Nhắc đến loại chiếu này, thì ít nhiều chúng ta cũng biết ngay nó xuất xứ từ quốc gia nào. Điều này cho thấy, lịch sử của loại chiếu này gắn bó với Nhật Bản từ rất lâu. Chiếu Tatami được sản xuất lần đầu tiên vào năm 712, mục đích ban đầu là làm một tấm thảm lót cho các bậc vua chúa ngồi, thể hiện đẳng cấp của giới quý tộc ngày xưa. Sau này, đến thời Muromachi, do sự tiện lợi của nó thì diện tích của tấm chiếu được tăng lên đáp ứng cho nhu cầu ngồi tiếp khách của nhiều người. Thậm chí, người ta còn lót hết cho một gian phòng để trở thành phòng zashiki (座敷) với nghĩa đen là “căn phòng để ngồi”.
Ngày nay, chiếu tatami trở thành một thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình Nhật Bản. Thậm chí, tấm chiếu bây giờ được cách điệu trở thành một mảng sàn nhà cố định khi độ dày của tấm chiếu có thể lên đến 5 cm. Chất liệu chính của chiếu thường làm bằng cói và rơm. Có ba phần chính gồm có lõi chiếu (gọi là Tatami Doko - 畳床), bề mặt của chiếu (Tatami Omote - 畳表) và viền chiếu (Tatami Fuchi - 畳縁). Do vậy, dù là làm từ vật liệu thô trong tự nhiên nhưng bề mặt của tấm chiếu lại không khác gì một tấm nệm, ngồi lên rất mềm và êm ái.
Như đã nói, tấm chiếu Tatami thường được phục vụ cho việc ngồi tiếp khách nên thường sẽ trải phủ khắp sản phòng khách. Một số gia đình khá giả hơn có thể trải thêm ở phòng ngủ cũng như lối hành lang.
Hy vọng bài viết mang lại cho mọi người một vài kiến thức hữu ích về văn hóa Nhật Bản.
0 Nhận xét