Header Ads Widget

Responsive Advertisement

KIỂU NHÀ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 2

Nhà ở vùng đồng bằng Bắc Bộ

Thiết kế nhà của người vùng đồng bằng phần lớn gắn liền với mô hình nhà- ao - chuồng. Đây là một nét đặc trưng mà vùng nông thôn nào cũng đều áp dụng. Để giải thích một cách đơn giản cho thiết kế dung dị nhưng lại mang lại tiện ích lớn thì xuất phát từ đời sống kinh tế của người dân Á Đông chủ yếu là nền kinh tế tự cung tự cấp, hoạt động phạm vi gia đình, làng xã. Ngoài ra, sự ảnh hưởng bởi vị trí địa lý mà ông cha ta cũng đúc rút những kinh nghiệm về phong thủy để lựa chọn những vùng đất mưa thuận gió hòa, hướng nhà ở mang lại may mắn cho gia chủ. Tuy nhiên, ao nước của một gia đình không bắt buộc ở cùng trong một khuôn viên với ngôi nhà, do cuộc sống của người đồng bằng thường có xu hướng sống gần gũi, nhà người này sát vách nhà người kia nên hình thành nên một tập quán chia sẻ ao hồ với nhau, nhiều gia đình cùng chung một ao nước.

Người xưa thường ví ”Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng nam” để chỉ hướng nhà thích hợp khi xây dựng. Vốn gần biển, trong khu vực gió mùa nên trong bốn hướng chỉ có hướng nam là tránh được nắng chiều hướng tây (nắng xiên khoai), gió lạnh từ phương bắc (gió mùa đông bắc), bão từ phía đông và hứng được gió nồm thổi đến từ phía nam vào mùa nóng. Ngoài ra, người dân Việt cũng từng chịu đô hộ 1000 năm bởi phong kiến Trung Quốc nên văn hóa về phong thủy cũng được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm.


Nhà ở của cư dân đồng bằng Bắc bộ thường được làm bằng vật liệu từ gỗ xoan, mít hay tre có kết cấu vững chắc Xoan, mít hay tre sau khi được chọn lựa, để tránh bị tượng mối mọt và tăng độ bền, trước khi dựng nhà người ta thường mang đi ngâm ở các ao, hồ khoảng 1-2 năm.

Gian nhà truyền thống của người dân kinh Bắc

Nhà thường được làm với kết cấu ba gian hai trái, đối với những nhà khá giả thì có thể nhiều hơn. Các gian nhà thường thiết kế theo hình chữ L hoặc chữ U trong trường hợp nhà cơi nới thêm nhiều gian cho phòng ngủ. Tuy nhiên đều có điểm chung là nhà bếp sẽ tách biệt với nhà ở (thường nằm phía bên trái từ cổng chính nhìn vào). 

Mái của ngôi nhà được thiết kế có độ dốc lớn để thoát nước mưa và tránh dột, tận dụng không gian từ độ dốc lớn làm thành gác, kệ lửng thêm chỗ để kho chứa thóc lúa, ngô khoai... Mái đưa ra xa chân tường vừa tạo nên bóng râm vừa tránh mưa hắt vào các chân cột gỗ và tường đất nện. Từ đó tạo nên hiên nhà giúp che nắng (tránh ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào trong nhà), là không gian để mọi người trong nhà có thể tận dụng làm nơi sinh hoạt gia đình như ăn uống, tán gẫu, đặc biệt là nhâm nhi vài tách chè (trà) – một văn hóa thưởng thức trà đạo gần giống với người Nhật.


Mô hình nhà - ao - chuồng

Khi bước vào cửa chính ngôi nhà, bạn thường sẽ đi qua các bậc tam cấp (thường làm theo số lẻ 1,3,5…). Theo ý nghĩa phong thủy, nó đại diện cho vòng đời của một con người “ Sinh - Lão - Bệnh – Tử”

Gian chính giữa luôn là gian thờ chính và nơi tiếp khách (ngày xưa bàn tiếp khách dưới khu vực thờ thường là nơi nói chuyện của đàn ông, phụ nữ sẽ có một bàn tiếp riêng ở bên cạnh). Một số vật phẩm gia truyền của gia đình hoặc những món đồ quý hiếm của gia chủ cũng được trưng bày ở đây để thể hiện sự tự tôn của dòng họ mình cũng như là cách mà gia chủ muốn thể hiện địa vị, gia thế của mình với khách đến thăm.Ngoài ra, người xưa thay vì ngồi ở bộ bàn ghế gỗ thì họ còn ngồi trên phản gỗ để nói chuyện.


Gian chính điện của căn nhà truyền thống Bắc Bộ


Đặc biệt, ở một số gia đình, họ sẽ đặt một cái giường đơn ở gian phòng khách với mục đích cho khách tới chơi ở lại. Chiếc giường cũng đơn thuần là cái phản gỗ dài cùng chăn gối tùy vào điều kiện gia chủ.

Dù đã trải qua hàng ngàn năm nhưng kết cấu kiểu nhà 3 gian này vẫn rất được ưa chuộng và áp dụng trong một số thiết kế hiện đại. Sự thuận tiện của loại nhà này dễ dàng sinh sống cho nhiều thế hệ của gia đình và đồng thời cũng cơi nới nhà tương đối dễ do nhà có sân vườn rộng rãi. Hoặc đối với những căn nhà cải tiến, họ có thể giữ căn nhà truyền thống làm nơi thờ tụng, tiếp khách và nâng cấp các gian phụ lên thành lầu để tiện cho sinh hoạt nhiều người.

Hy vọng bài viết sẽ giúp cho mọi người có được một số kiến thức bổ ích, mới mẻ về văn hóa của người Việt.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét