Header Ads Widget

Responsive Advertisement

ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA- TRƯỜNG SA GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

  Đây là một bài viết được nhìn dưới góc độ khách quan từ việc phân tích quy định pháp luật liên quan đến vùng biển chủ quyền và các lập luận, biện chứng của các bên về tuyên bố chủ quyền quốc gia. 
  Trên đây, người viết tổng hợp quan điểm của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc khi xác định chủ quyền lãnh thổ của mình lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


QUAN ĐIỂM VỀ CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA.

Ở đây, qua một số các học thuyết được Trung Quốc tự mình đưa ra để chứng minh việc Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì quan điểm chủ quyền dựa trên đường lưỡi bò là sát nhất về khía cạnh khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo này nói riêng cũng như vùng Biển Đông nói chung.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông
Hình ảnh về đường lưỡi bò của Trung Quốc


Trung Quốc đã đưa ra bằng chứng để lập luận cho hành vi “hợp pháp” của mình, thậm chí còn tố ngược lại Việt Nam đang xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia họ. Cụ thể đó là “yêu sách về đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. 

“Đường chín đoạn” lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc năm 1948, và chính thức được Bắc Kinh “trình làng” trước thế giới trong bản đồ kèm theo Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 của Trung Quốc gửi đến Tổng thư ký LHQ. Theo đó, các học giả Trung Quốc cho rằng vì “đường chín đoạn” xuất hiện trước khi Công ước được ký kết và có hiệu lực, nên không thể sử dụng Công ước để giải thích cho “đường chín đoạn”. 

Trong vụ kiện đình đám giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông thì phía Trung Quốc đã giải thích về học thuyết “áp” lên Biển Đông như sau:

 - Đưa ra quan điểm về chủ quyền lịch sử để giải thích cho chính cơ sở hình thành đường lưỡi bò. theo đó quyền lịch sử là các quyền cơ bản để được thụ hưởng đặc quyền đối với nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong khu vực biển đó, nơi mà các quyền nói trên đã được tồn tại.

- Các khu vực biển này, bao gồm cả vùng nước và đáy biển mở rộng trong “đường chín đoạn” của Trung Quốc, vượt quá các ranh giới của bất cứ khu vực biển nào mà Trung Quốc được hưởng theo Công ước.

- Theo Trung Quốc, các quyền này trên các khu vực biển và đáy biển không phải bắt nguồn từ Công ước, nhưng ngụ ý rằng nó tồn tại từ lịch sử trước đó và được bảo lưu bởi Công ước cho dù chúng không được quy định trong Công ước sau này.

Như vậy, có thể hiểu quan điểm của Trung Quốc đang muốn xác lập chủ quyền của mình trên hai cơ sở là tính lịch sử tồn tại của quốc gia trên vùng biển này và khôi phục lại nguyên tắc chiếm hữu tượng trưng - tức quyền khám phá trước tiên của một quốc gia lên một lãnh thổ. 

Mặt khác, dù giải thích rằng các quan điểm của quyền lịch sử được Trung Quốc nêu trước Công ước về Luật Biển năm 1982 ra đời nhưng qua cách giải thích với thế giới thì thấy rõ họ đang sử dụng lại các thuật ngữ như “vùng biển liên quan”, “quyền chủ quyền và quyền tài phán” là những khái niệm được quy định trong Công ước. Điều này đang chính thừa nhận về yêu sách không rõ ràng, mập mờ. 

Một vấn đề thú vị khác khi tìm hiểu về sự ra đời của cách vẽ đường lưỡi bò vào trong Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải của Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa dân quốc cho thấy sự chủ quan của việc xác lập chủ quyền. Cụ thể, Đường lưỡi bò này xuất hiện do thời điểm đó Trung Hoa dân quốc không có khả năng đo lường các hòn đảo để xác định mọi địa hình tạo đường phân định cho khu vực hành chính xung quanh vì thế họ vẽ ra đường chạy qua điểm giữa các hòn đảo và vùng đất lân bang để chỉ ra rằng các đảo nằm bên trong đường vẽ ra là lãnh thổ Trung Hoa. Đường này chạy qua điểm trung tuyến giữa các điểm nhô ra nhất của các hòn đảo và địa hình của đất liền xung quanh. Không hề có các tọa độ địa lý cụ thể được nêu ra và những bản đồ mỗi thời in đường mười một đoạn này lại khác nhau.

Như vậy, với một cơ sở xác định lãnh thổ cảm tính như trên có thể trở thành một bằng chứng lịch sử để chứng minh chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ hay không?

QUAN ĐIỂM CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA - HOÀNG SA 

Để một vùng lãnh thổ được xác lập chủ quyền đối với một quốc gia theo nguyên tắc chiếm hữu lãnh thổ thật sự thì quốc gia đó phải chứng minh các điều kiện sau: 

Thứ nhất, những vùng đất, đảo được quốc gia chiếm hữu phải là lãnh thổ vô chủ, không nằm hoặc không còn nằm trong hệ thống địa lý hành chính của quốc gia nào

Thứ hai, việc chiếm hữu đó phải là hành động của nhà nước.

Thứ ba, việc chiếm hữu phải thật sự. 

Thứ tư, việc chiếm hữu phải hòa bình được dư luận đương thời chấp nhận

Tương tự áp dụng cho 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được pháp luật Việt Nam chứng minh theo nguyên tắc chiếm hữu lãnh thổ để xác lập chủ quyền của Việt Nam lên 2 quần đảo này như sau:

Đầu tiên Việt Nam chiếm hữu 2 quần đảo này khi chúng là lãnh thổ vô chủ. Ngược dòng lịch sử, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tập hợp của những hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “đội Hoàng Sa” lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm “đội Bắc Hải” lấy người thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Các tài liệu ghi chép lại lịch sử của vấn đề này khá nhiều như Toản thư Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Tự Công Đạo (1686), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776), Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1910)…

  Đồng thời, một số tác phẩm nước ngoài cũng ghi nhận sự kiện của triều đình phong kiến Nguyễn hoạt động trên hai quần đảo này như Nhật ký Batavia (1936), Hải ngoại ký sự (1696), An Nam đại quốc họa đồ (1838)… Bên cạnh việc khai thác tài nguyên trên hai quần đảo, nhà Nguyễn còn cho tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên đảo… liên tục từ năm 1834, 1835 và 1836.

Điều này đã làm rõ cho điều kiện Việt Nam chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi chúng vẫn chưa được xác lập chủ quyền với bất cứ quốc gia nào.

Về sau, khi đất nước bị Pháp đô hộ, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp có nhiều hành động củng cố thêm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo. Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa, còn Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cho xây dựng nhiều công trình trên đảo. Khi Việt Nam chính thức được Pháp công nhận là một quốc gia độc lập thống nhất thì ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao lại quyền phòng thủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đóng quân trên hai quần đảo này, quản lý chúng theo đúng Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam trao cho (quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào cho đến khi hai miền thống nhất). Trong thời gian này các Chính phủ Việt Nam nói trên đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền trên 2 quần đảo này một cách liên tục và hòa bình bằng các hoạt động của nhả nước.  

Đến ngày 2/7/1976, nước Việt Nam thống nhất chính thức với tên gọi mới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kế tục tư cách sở hữu hai quần đảo này thì Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có ban hành những văn bản pháp lý phù hợp hơn với tình hình quốc gia hiện tại cũng như xác lập chủ quyền chính thức bằng văn bản đối với 2 quần đảo nói trên. Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của chính phủ ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều dài lãnh hải Việt Nam đều khằng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố các sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Các tài liệu đã chứng minh một cách chi tiết và minh bạch vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên nhiều khía cạnh: lịch sử, pháp lý và thực tiễn quốc tế.

Từ những lý luận trên, chúng ta tiếp tục làm rõ thêm 2 điều kiện để xác lập chủ quyền theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự lãnh thổ là việc chiếm hữu được thực hiện bởi nhà nước và có sự chiếm hữu thật sự qua các thời kỳ giai đoạn lịch sử và tiếp diễn đến hiện tại. Theo đó, nhà nước Việt Nam qua mọi thời kỳ lịch sử luôn là người thực hiện quyền quản lý, khai thác, sử dụng và định đoạt đối với hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa từ lúc phát hiện vùng lãnh thổ này từ nửa đầu thế kỷ XVII đến nay.

Cuối cùng, yếu tố về hành vi chiếm hữu của Việt Nam có được xem là hòa bình và được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi hay không thì chúng ta có thể xem xét việc thực hiện quá trình chiếm hữu từ nhà nước phong kiến đến khi nhà nước xã hội chủ nghĩa như hiện nay. Theo đó, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Việt Nam vẫn xem hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam như việc sáp nhập hai quần đảo này thuộc đơn vị hành chính để quản lý qua các thời kỳ lịch sử, đưa người dân ra khai thác tài nguyên của vung biển quanh đảo hoặc thiết lập quân đội trên đảo trong thời kỳ Chính phủ Cộng hòa còn tồn tại mục đích xây dựng các công trình nhà ở, cột mốc chủ quyền trên vùng đảo để duy trì hoạt động của nhà nước Việt Nam đối với hai vùng đảo nói trên. Do vậy, chúng ta thấy được việc tổ chức chinh quyền cũng như việc chiếm hữu hai quần đảo này của Việt Nam luôn ở trạng thái hòa binh, được các quốc gia khác đồng thuận nhất trí. 

Ngay cả khi Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc liên quan đến việc xác lập vùng đảo chủ quyền cũng được thực hiện bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các Công ước quốc tế về luật biển năm 1982. Trong suốt năm 1931- 1932, Trung Quốc từng đòi hỏi việc xác lập chủ quyền của minh với hai quần đảo này và bị Pháp lên tiếng phản đối gay gắt. Tháng 1/1974, Trung Quốc một lần nữa dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khi đó chính quyền Sài Gòn đã tố cáo hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chinh quyền Sài Gòn công bố sách trắng các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuối cùng, tháng 4/1975, hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng các đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang do quân đội Sài Gòn nắm giữ, chinh thức đưa 2 quần đảo này về chủ quyền hoan toàn cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam đến tận nay.

Dù ngày nay, Trung Quốc vẫn có những động thai quân sự đối với việc xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng thực tế quốc tế vẫn luôn ủng hộ tư cách chủ quyền của nước Việt Nam đối với hai quần đảo này, đồng thời chỉ trích sự chiếm đóng bất hợp pháp mà Trung Quốc áp đặt đối với 2 quần đảo trên. 

Kết luận lại, từ những chứng minh cho các điều kiện để áp dụng quyền chiếm hữu thực tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì có thể khẳng định lập trường của Việt Nam trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo này là hoàn toàn hợp lý và thuyết phục.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét